Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Cây hồ tiêu (black pepper)


            Cây hồ tiêu (Piper nigrum L.) thuộc họ Piperaceae, có nguồn gốc từ bang Tây Ghats (Ấn Độ), có lẽ đã được trồng cách nay khoảng 6000 năm (Sasikumar và ctv., 1999; Ravindran và ctv., 2000). Tuy nhiên Chevalier (1925) cho biết cây tiêu chắc chắn là cây bản địa ở Đông Dương, bằng chứng là Balanca đã tìm thấy tiêu dại ở vùng núi Ba Vì, miền Bắc Việt Nam. Ở Campuchia, người Stiêng đôi khi cũng thu hoạch tiêu trong rừng.
            Chi Piper có khoảng 1000 loài, trong đó có khoảng 110 loài hiện diện ở Ấn Độ và các nước Châu Á. Các loài thuộc chi Piper có số cặp nhiễm sắc thể biến động trong khoảng 2n=36-132. Piper nigrum có bộ nhiễm sắc thể 2n=36-128.
Ở Việt Nam, cây tiêu mọc hoang được tìm thấy từ trước thế kỷ XVI, nhưng đến thế kỷ XVII mới được đưa vào trồng (Chevalier, 1925; Phan Hữu Trinh và ctv., 1987). Đến cuối thế kỷ XIX, hồ tiêu được trồng với diện tích tương đối khá ở Phú Quốc, Hòn Chồng và Hà Tiên (Kiên Giang), chủ yếu do người Hoa gốc ở đảo Hải Nam theo Mạc Cửu di cư vào Hà Tiên. Cũng trong khoảng thời gian này và đầu thế kỷ XX, cây tiêu theo chân các chủ đồn điền người pháp phát triển lên Bình Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Trị và Quảng Nam (Biard et Roule, 1942).
            Phân bố địa lý: Hồ tiêu mọc hoang ở rừng thường xanh nhiệt đới bang Tây Ghats và vùng phụ cận, thường là ở vùng đồng bằng và ít khi được tìm thấy ở độ cao trên 1500m (Purseglove, 1968). Ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương, hồ tiêu được trồng nhiều ở Ấn Độ, Hải Nam (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam và một ít ở Campuchia (Sadanandan, 2000). Ngoài vùng này hồ tiêu còn được trồng phổ biến ở Brazil và Madagascar. Ngay cả ở vùng nhiệt đới, cây tiêu thường được trồng tập trung ở những nơi có khí hậu nóng, ẩm. Yêu cầu đặc trưng về mặt khí hậu của cây hồ tiêu là lượng mưa khá, nhiệt độ không thay đổi nhiều, ẩm độ cao, độ dài ngày không chênh lệch nhiều giữa các mùa trong năm.
            Chevalier (1925) cho rằng hồ tiêu là cây trồng vùng xích đạo ẩm, thường ít khi vượt quá vĩ độ 15o Bắc và Nam. Tuy nhiên Biard và Roule (1942) tranh luận là hồ tiêu vẫn được trồng ở Quảng Trị và Nghệ An vùng Trung Bộ, ở vĩ độ trên dưới 20o. Ở Quảng Trị tiêu sinh trưởng tốt, trong khi ở Nghệ An tiêu phát triển có chậm trong mùa đông.
             Lượng mưa: Hồ tiêu thích hợp trong điều kiện mưa đều, lượng mưa hàng năm trong khoảng 1.000-3.000mm, tuy cây tiêu vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường trong vùng ít mưa nhưng phân bố đều. Phân bố lượng mưa, tình trạng thoát nước và khả năng giữ ẩm của đất đóng vai trò quan trọng đối với cây tiêu hơn là tổng lượng mưa. Lượng mưa khá là điều thuận lợi nếu đất thoát nước tốt, ngược lại tiêu dễ bị bệnh. Khô hạn cũng là một yếu tố giới hạn sinh trưởng và phát triển của cây tiêu (Phan Quốc Sủng, 2000).
            Nhiệt độ: Hồ tiêu thích nghi tốt với khí hậu ôn hoà, không chịu được nhiệt độ thay đổi nhiều, nhiệt độ thấp nhất khoảng 10oC, thích hợp nhất trong khoảng 20-30oC, nhiệt độ đất ở độ sâu 30cm trong khoảng 25-28oC (Rethinam, 2004).
            Ẩm độ: Khí hậu nóng ẩm là điều kiện thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây tiêu nhưng ẩm độ cao liên tục lại hạn chế sinh trưởng cây tiêu và tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh. Cây tiêu chịu được ẩm độ khoảng 63% trong mùa khô và 98% trong mùa mưa (Sadanandan, 2000).
            Ánh sáng: Tiêu là cây ưa bóng trong giai đoạn cây con, ánh sáng tán xạ thích hợp cho yêu cầu sinh trưởng, phát dục và phân hoá mầm hoa. Giai đoạn tiêu ra hoa đậu quả, nuôi quả đến khi quả chín cây tiêu cần nhiều ánh sáng (Chevalier, 1925; Phan Hữu Trinh và ctv., 1988; Phan Quốc Sủng, 2000). Việc có đủ ánh sáng trong giai đoạn nuôi quả giúp giảm rụng quả non và tăng dung trọng hạt tiêu (Yau and Azmil, 1989).
             Đất trồng tiêu: Theo Phan Hữu trinh và ctv. (1988), Phan Quốc Sủng (2000) và Sadanandan (2000) đất thích hợp cho cây tiêu cần có các đặc tính:
            tính: tầng đất canh tác trên 80cm, có mực nước ngầm sâu trên 2m, tơi xốp, có khả năng giữ nước tốt, thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình, dễ thoát nước vào mùa mưa; Hoá tính: pH 5,5-6,5, tối thiểu 4,5 nhưng cần bón vôi để nâng lên trên 5, giàu N, K và Mg, khả năng trao đổi cation ở mức 20-30 meq/100g đất, tỉ lệ C/N ở tầng đất canh tác cao (15-25).
            Trụ tiêu: Tiêu là cây leo bám nên cần phải có trụ, trụ tiêu đóng vai trò quyết định trong đời sống cây tiêu, và chi phí cho trụ tiêu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong chi phí thiết lập vườn tiêu mới (ICARD, 2005).
Tại những vùng trồng tiêu lâu đời ở Việt Nam nông dân thường ưa sử dụng trụ gỗ vì cho rằng tiêu leo bám dễ dàng, không bị cạnh tranh về nước, dinh dưỡng, ánh sáng như khi trồng trụ sống và không bị nóng làm tiêu tàn lụi sớm như khi trồng với trụ bê-tông hoặc bồn gạch xây. Tuy vậy, thực tế sản xuất hiện nay cho thấy tiêu có thể đạt được năng suất cao trên tất cả các loại trụ, miễn là có chế độ chăm sóc phù hợp. Các loại trụ sống rất phong phú như vông (Erythrina spp.), keo (Leucena leucocephala), lồng mức (Wrightia annamensis), đỗ quyên (Gliricidia sepium), mít (Artocarpus heterophyllus), muồng cườm (Adenanthera pavonina), cóc rừng (Spondias pinnata) và gòn (Ceiba spp.) đang được sử dụng ở nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm hiện nay như Đăk Lăk, Bình Phước, Quảng Trị và Phú Yên. Đặc biệt ở Quảng Trị do có gió Lào khô nóng, cây trụ sống tỏ ra đặc biệt thích hợp cho việc trồng tiêu, các thử nghiệm trồng tiêu trên trụ bê-tông và bồn gạch không mấy thành công ở vùng này.
Một số hình ảnh về cây hồ tiêu:



















 



Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

Cây Sắn (Cassava)


Sắn (Manihot esculenta) có 2n=36, là cây tinh bột quang hợp theo chu trình C4. Cây sắn là cây lương thực quan trọng thứ năm trên thế giới và là thứ ba ở Việt Nam. Sắn dễ trồng, ít vốn đầu tư, dễ chế biến xuất khẩu, đạt lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh cao. Sắn là loại cây trồng có thể sử dụng làm lương thực, thức ăn gia súc và nguyên liệu công nghiệp. Ở Việt Nam, cây sắn đang chuyển đổi nhanh chóng từ vai trò cây lương thực, cây thức ăn gia súc thành cây công nghiệp.
Phân loại cây sắn
Giới                      : Plantae
Không phân hạng: Magnoliophyta
Lớp                      : Magnoliopsida
Bộ                         : Malpighiales
Họ                         : Euphorbiaceae
Họ phụ                 : Crotonoideae
Tộc                       : Manihoteae
Chi                        : Manihot
Loài                      : M. Esculenta
Nguồn gốc
Theo trích dẫn của Hoàng Kim và Phạm Văn Biên (1995), cây sắn có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ La tinh (Crantz, 1976) đã được trồng cách đây khoảng 5.000 năm (CIAT, 1993). Trung tâm phát sinh cây sắn được giả thiết tại vùng Đông Bắc của nước Brazin thuộc lưu vực sông Amazon, nơi có nhiều chủng loại sắn trồng và hoang dại (Candolle, 1886; Rogers, 1965). Trung tâm phân hóa phụ có thể tại Mexico ở Trung Mỹ và vùng ven biển phía Bắc của Nam Mỹ. Bằng chứng về nguồn gốc sắn trồng là những di tích khảo cổ ở Venezuela niên đại 2.700 năm trước Công nguyên, di vật thể hiện củ sắn ở cùng ven biển Peru khoảng 2000 năm trước Công nguyên, những lò nướng bánh sắn trong phức hệ Malabo ở phía Bắc Colombia niên đại khoảng 1.200 năm trước Công nguyên, những hạt tinh bột trong hóa thạch được phát hiện tại Mexico có tuổi từ năm 900 đến năm 200 trước Công nguyên (Rogers, 1963, 1965).
            Cây sắn được người Bồ Đào Nha đưa đến Congo (châu Phi) khoảng thế kỷ 16. Tài liệu nói tới sắn ở vùng này là của Barre và Thevet viết năm 1558. Ở châu Á, sắn được nhập vào Ấn Độ khoảng thế kỷ 17 (Rajendran và ctv, 1995) và SriLanka đầu thế kỷ 18 (Bandara và Sikurajapathy, 1992). Cây sắn đựơc nhập vào Việt Nam khoảng giữa thế kỷ 18 nhưng hiện chưa có tài liệu chắc chắn về nơi trồng và năm trồng đầu tiên (Phạm Văn Biên và Hoàng Kim, 1991). Sắn được nhập vào Trung Quốc, Myanmar và các nước châu Á khác khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 (Baiping, 1992; Than, 1992)
Phân bố
Sắn được trồng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở 30OB - 30ON (CIAT, 1993). Tại Việt Nam, sắn được trồng hầu hết ở các tỉnh từ Bắc đến Nam, nhiều nhất tại vùng Đông Nam Bộ (130800 ha) và Tây Nguyên (129.900 ha). (nguồn: Hoàng Kim, 2010).
Lịch sử phát triển
Theo Hoàng Kim (2009), cây sắn được người Bồ Đào Nha đưa đến Congo (châu Phi) khoảng thế kỷ 16. Tài liệu nói tới sắn ở vùng này là của Barre và Thevet viết năm 1558. Ở châu Á, sắn đã được nhập vào Ấn Độ khoảng thế kỷ 17 (Rajendran và ctv, 1995) và SriLanka đầu thế kỷ 18 (Bandara và M Sikurajapathy, 1992). Cây sắn đã được nhập vào Việt Nam khoảng giữa thế kỷ 18 nhưng hiện chưa có tài liệu chắc chắn về nơi trồng và năm trồng đầu tiên (Phạm Văn Biên và Hoàng Kim, 1991). Sắn đã được nhập vào Trung Quốc, Myanmar và các nước châu Á khác khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 (Baiping, 1992; Than, 1992).
Giá trị kinh tế của cây sắn.
Sắn là cây trồng có nhiều công dụng trong chế biến công nghiệp, thức ăn gia súc và lương thực thực phẩm. Sản phẩm sắn ngày càng thông dụng trong buôn bán, trao đổi thương mại quốc tế. Củ thân và lá sắn đều có nhiều công dụng thiết thực. Củ sắn được dùng để chế biến tinh bột, sắn lát khô, bột sắn nghiền hoặc dùng để ăn tươi. Từ sắn củ tươi hoặc từ các sản phẩm sắn sơ chế tạo thành hàng loạt các sản phẩm công nghiệp như bột ngọt, rượu cồn, mì ăn liền, gluco, xiro, bánh kẹo, mạch nha, kỹ nghệ chất dính (hồ vải, dán gỗ), bún, miến, mì ống, mì sợi, bột khoai, bánh tráng, hạt trân châu (tapioca), phụ gia thực phẩm, phụ gia dược phẩm. Củ sắn cũng là nguồn nguyên liệu chính để làm thức ăn gia súc. Thân sắn dùng để làm giống, nguyên liệu cho công nghiệp xenlulô, làm nấm, làm củi đun. Lá sắn non dùng làm rau xanh giàu đạm. Lá sắn dùng trực tiếp để nuôi tằm, nuôi cá. Bột lá sắn hoặc lá sắn ủ chua dùng để nuôi lợn, gà, trâu, bò, dê,…
Ở Việt Nam, cây sắn đang chuyển đổi nhanh chóng vai trò từ cây lương thực , cây thức ăn gia súc thành cây công nghiệp. Ngoài 60 nhà máy chế biến tinh bột sắn đã đi vào hoạt động , các cơ sở sản xuất tinh bột sắn biến tính, bánh kẹo, xi rô... Đặc biệt, khi các  nhà máy bio-ethanol công suất cao đi vào hoạt động chắc chắn sẽ  mở ra tiềm năng và giá trị kinh tế lớn hơn cho cây sắn trong sản xuât nông nghiệp.
Một số hình ảnh về cây sắn:
Đánh giá kết quả thí nghiệm giống sắn









































Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

LÚA MIẾN (Sorghum)


Lúa miến (Sorghum bicolor L. Moench) là cây tự thụ phấn, 2n = 20. Nó là một trong năm cây ngũ cốc quan trọng trên thế giới và là khẩu phần ăn chính của hơn 500 triệu người ở hơn 30 nước. Đây là loại cây trồng có nhiều công dụng như làm bánh mì, bánh quy, tinh bột, đường, xi rô, cồn, bia, sản xuất mạch nha. Lúa miến là thực vật C4 nên sử dụng hiệu quả bức xạ mặt trời, có thể sinh trưởng phát triển trên đất nghèo dinh dưỡng, pH từ 5 – 8,5, nhu cầu nước thấp, có khả năng chịu hạn, úng, đất mặn hoặc kiềm. Thân lúa miến ngọt có hàm lượng đường cao 16 – 23 % brix, là nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất ethanol nhiên liệu.
Phân loại cây lúa miến ngọt  (Kimber, 2000)
            Giới:                              Plantae
            Không phân hạng:       Angiosperms
            Bộ:                                 Poales
            Họ:                                 Poaceae
            Tông:                             Andropogoneae
            Tộc phụ :                      Sorghinae
            Chi:                                Sorghum moench
            Chi phụ:                        Sorghum
Loài                               Sorghum bicolor
Theo trích dẫn của Bantilan và ctv (2004), sưu tập cây lúa miến đã được miêu tả đầu tiên bởi Linne năm 1753 với tên gọi là Holcus. Tuy nhiên, năm 1794 Moench đã phân loại lại bộ sưu tập này như một chi riêng biệt Sorghum(Celarier, 1959). Chi Sorghum thuộc tộc Andropogoneae, và phân ra thành ba loài (de Wet, 1978): Sorghum halepense (L.) Pers. sống lâu năm phía đông nam Eurasia đến Ấn Độ.  S. propinquum (K.) Hitch. Sống lâu năm ở Srilanka và nam Ấn Độ và từ phía đông Burma đến các đảo phía đông nam châu Á. S. bicolor (L.) Moench (Plate) gồm tất cả cây thử thách hàng năm trong phân loại cây lúa miến đã công nhận bởi Snowden (1936, 1955). S. bicolor bao gồm tất cả thử thách thuần hóa, phân bố rộng và phức hợp sinh thái biến thiên ở châu phi và có nguồn gốc từ sự xen giống giữa cây lúa miến và các loài có quan hệ gần với chúng.
Nguồn gốc
Theo trích dẫn của Bantilan và ctv (2004), cây lúa miến có lẽ được thuần hóa đầu tiên ở Savanna giữa tây Ethiopia và phía đông Chad cách nay 5000 – 7000 năm (Doggett và Prasada Rao, 1995). Các dòng hoang dại của sorghum bicolor ssp. verticilliflorum được cho là tổ tiên của cây lúa miến trồng ngày nay (Harlan, 1972). Từ điểm phát sinh cây lúa miến được đưa đến các vùng khác (chủ yếu là thông qua tàu buôn): đến Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Á, Trung Đông, châu Mỹ, Tây, Bắc và Nam Phi.
Ở châu Phi, cây lúa miến được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như guinea-corn, dawa hay sorgho ở Tây Phi, durra ở Sudan, mshelida ở Ethiopia và eritrea, mtama ở Đông Phi, kafffircorn ở Nam Phi, mabele hay amabele ở các quốc gia Nam Phi. Ở Ấn Độ, nó được biết đến với tên gọi như jowar (Hindi), jonna (Andhra Pradesh), cholam (Tamil Nadu) và jola (Karnataka).
Năm chủng lúa miến canh tác cơ bản - Bicolor, Kafir, Guinea, Caudatum Durra - đã được công nhận (Harlan và De Wet, 1972). Chủng Bicolor được miêu tả là khoảng trống và chiều dài cụm hoa, mày hoa thường xuyên kèm theo hạt khi chín. Kafir được tìm thấy nam xích đạo châu Phi, biểu hiện cân đối và sát góc cầu hạt với mày ngắn hơn hạt. Guinea chiếm ưu thế ở Tây Phi và dễ nhận ra bởi chiều dài và sự không cân xứng, mày mở ra nhìn thấy khi hạt chín. Hạt của dòng caudatum thì phồng lên không cân xứng. Chủng này tìm thấy ở Trung Phi và là gần nơi phát sinh. Dura biểu hiện hạt dạng trứng ngược và có dạng hình V tại đáy (Bantilan và ctv, 2004).
Phân bố
Theo Bantilan và ctv (2004), ngày nay, cây lúa miến được phân bố từ mực nước biển đến độ cao 2200m so với mực nước biển và từ 500N ở Nga đến 400S ở Argentina. Trong khi cải thiện giống chiếm ưu thế ở châu Mỹ, Trung Quốc và Australia, các phương pháp chọn lọc truyền thống ở châu Phi và một số quốc gia ở châu Á. Năm 2004, khoảng 75% vùng trồng lúa miến ở Ấn Độ là các giống lai so với 1% ở năm 1960.
 Yêu cầu điều kiện sinh thái cây lúa miến
Theo William (2007), đặc điểm thích nghi của cây lúa miến ngọt như sau: Vĩ độ: 400B - 400N. Độ cao so với mặt nước biển: lúa miến ngọt có thể tìm thấy ở độ cao từ mực nước biển đến 1500m, hầu hết Đông phi thì sinh trưởng giữa độ cao 900 đến 1500m, và các loài chịu lạnh có thể sinh trưởng ở độ cao 1600 đến 2500m. Nhiệt độ: có thể sinh trưởng từ 15 – 450C và thích hợp ở 23 – 400C. Độ dài ngày: 10 – 14 giờ. Lượng mưa Thích hợp 800 – 1200mm, ẩm độ 50%. Bức xạ: lúa miến ngọt là thực vật C4 nên bức xạ cao sử dụng hiệu quả. Quang kỳ: hầu hết các giống lúa miến ngọt lai rất nhạy cảm với quang kỳ. Đất: thịt đỏ hoặc đen với pH 6,5 – 7,5, OM >0,6%, độ sâu >80cm, tỷ trọng <1,4gcc, khả năng giữ nước >20%, N= >260kg/ha, P= > 12kg/ha, K= > 120kg/ha. Đặc điểm thích nghi: lúa miến ngọt có khả năng thích nghi rộng. Nó có tính kháng hạn, ngập lụt và mặn tốt. Nước: mặc dù lúa miến ngọt sẽ sống được với sự cung cấp ít hơn 300mm/mùa. Lúa miến ngọt cần lượng nước tưới tiêu hoặc mưa từ 500 – 1000mm để đạt năng suất cao 50 – 70 tấn sinh khối (khối lượng chất tươi). Khô hạn: thuận lợi quan trọng của cây lúa miến ngọt là tính kháng các điều kiện bất lợi. Thụ phấn: thụ phấn nhờ gió và côn trùng.
Giá trị kinh tế cây lúa miến làm thức ăn gia súc và nhiên liệu sinh học
Cây lúa miến có nhiều mục đích sử dụng như là cây trồng làm thức ăn chính cho hàng triệu người vùng nhiệt đới bán khô hạn của châu Phi và châu Á. Hạt của nó được dùng làm thức ăn cho động vật ở Thái Lan, Australia. Ở châu Phi, thân của nó được dùng làm nhiên liệu. Cây lúa miến cũng được trồng làm cỏ tươi. Đối với loài lúa miến ngọt còn sử dụng làm xi rô. Hạt cây lúa miến được dùng làm bánh mì, bánh ngọt, bột, đường, sy rô, cồn, bia và sản xuất men (Bantilan và ctv, 2004)
            Theo Almodares và Hadi (2009), lúa miến ngọt có 2 bộ phận sử dụng để sản xuất ethanol là hạt và thân cây. Quá trình sản xuất ethanol từ thân lúa miến ngọt như sau: thân cây được ép bởi một chuỗi máy nghiền. Kết quả thu được dịch ngọt và bã. Bã được xử lý để sản xuất enzym đồng thời hóa đường và lên men tiếp tục chưng cất, khử nước thu được ethanol và lignin, chất rắn. Dịch thu được đưa qua sàng lọc, tiệt trùng bằng cách đốt nóng lên đến 1000C, sau đó được lọc sạch bằng cách đưa qua máy lọc chân không. Sau đó dịch được cho bay hơi để cô đặc (xi rô). Dịch cũng có thể cho lên men. Xi rô cần để cất giữ phải cô đặc để đạt tối thiểu 650 brix (thông thường 850 brix). Quá trình lên men dựa vào hóa học, sinh hóa và vi sinh học. Dịch ép hay xi rô được chuyển thành ethanol nhờ men Saccharomyces cerevisiae. Công đoạn tiếp theo là chưng cất và khử nước. Trong quá trình chưng cất, cồn từ sự ủ men đã được cô đặc đến 95% và tiếp tục cô đặc ethanol đến mức 99,6% (mức tối thiểu). Quá trình sản xuất ethanol từ hạt lúa miến ngọt giống như từ hạt bắp. Hạt sau khi rửa sạch, xay nát. Nguyên liệu tinh bột được nấu thành gelatin, hóa lỏng và hóa đường sử dụng men α-amylase và glucoamylase để tạo ra glucose. Lên men, cô đặc và khử nước giống như thân lúa miến ngọt. Tuy nhiên các phụ phẩm từ hạt không giống như từ thân vì các viên khô dễ tan có hàm lượng chất dinh dưỡng cao được sử dụng cho chăn nuôi công nghiệp.
Lúa miến có ưu thế cạnh tranh cao để sản xuất ethanol vì nó có thể trồng tại các vùng bán khô hạn, gần hoang hóa, nơi không thể trồng lúa gạo. Lúa miến ngọt sử dụng làm nhiên liệu sản xuất ethanol có lợi hơn so với sử dụng mía, ngô bởi vì lúa miến ngọt sử dụng nước bằng ½ so với ngô và 1/8 so với mía và giá canh tác của lúa miến ngọt thấp hơn  mía.  Theo hãng Rusni Distilleries (Ấn Độ) cho biết, để chạy một nhà máy ethanol sinh học công suất 40 tấn/ngày, cần 6.800 hecta lúa miến ngọt giống bình thường hoặc 4.500 ha nếu giống tốt (William, 2007).
Một số hình ảnh về cây lúa miến:  










Lúa miến trồng thuần

 Giống lúa miến PVK801
Giống lúa miến ICSV574








Lúa miến được trồng xen trong Khoai mì (Sắn)