Cây hồ tiêu (Piper nigrum L.) thuộc họ Piperaceae, có
nguồn gốc từ bang Tây Ghats (Ấn Độ), có lẽ đã được trồng cách nay khoảng 6000
năm (Sasikumar và ctv., 1999; Ravindran và ctv., 2000). Tuy nhiên Chevalier
(1925) cho biết cây tiêu chắc chắn là cây bản địa ở Đông Dương, bằng chứng là
Balanca đã tìm thấy tiêu dại ở vùng núi Ba Vì, miền Bắc Việt Nam. Ở Campuchia,
người Stiêng đôi khi cũng thu hoạch tiêu trong rừng.
Chi Piper có khoảng 1000
loài, trong đó có khoảng 110 loài hiện diện ở Ấn Độ và các nước Châu Á. Các
loài thuộc chi Piper có số cặp nhiễm sắc thể biến động trong khoảng
2n=36-132. Piper nigrum có bộ nhiễm sắc thể 2n=36-128.
Ở Việt Nam, cây tiêu mọc hoang được
tìm thấy từ trước thế kỷ XVI, nhưng đến thế kỷ XVII mới được đưa vào trồng
(Chevalier, 1925; Phan Hữu Trinh và ctv., 1987). Đến cuối thế kỷ XIX, hồ tiêu
được trồng với diện tích tương đối khá ở Phú Quốc, Hòn Chồng và Hà Tiên (Kiên
Giang), chủ yếu do người Hoa gốc ở đảo Hải Nam theo Mạc Cửu di cư vào Hà Tiên.
Cũng trong khoảng thời gian này và đầu thế kỷ XX, cây tiêu theo chân các chủ
đồn điền người pháp phát triển lên Bình Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Trị và
Quảng Nam (Biard et Roule, 1942).
Phân bố địa lý: Hồ tiêu mọc hoang ở rừng thường xanh
nhiệt đới bang Tây Ghats và vùng phụ cận, thường là ở vùng đồng bằng và ít khi
được tìm thấy ở độ cao trên 1500m (Purseglove, 1968). Ở vùng Châu Á-Thái Bình
Dương, hồ tiêu được trồng nhiều ở Ấn Độ, Hải Nam (Trung Quốc), Indonesia,
Malaysia, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam và một ít ở Campuchia (Sadanandan,
2000). Ngoài vùng này hồ tiêu còn được trồng phổ biến ở Brazil và Madagascar.
Ngay cả ở vùng nhiệt đới, cây tiêu thường được trồng tập trung ở những nơi có
khí hậu nóng, ẩm. Yêu cầu đặc trưng về mặt khí hậu của cây hồ tiêu là lượng mưa
khá, nhiệt độ không thay đổi nhiều, ẩm độ cao, độ dài ngày không chênh lệch
nhiều giữa các mùa trong năm.
Chevalier
(1925) cho rằng hồ tiêu là cây trồng vùng xích đạo ẩm, thường ít khi vượt quá
vĩ độ 15o Bắc và Nam. Tuy nhiên Biard và Roule (1942) tranh luận là
hồ tiêu vẫn được trồng ở Quảng Trị và Nghệ An vùng Trung Bộ, ở vĩ độ trên dưới
20o. Ở Quảng Trị tiêu sinh trưởng tốt, trong khi ở Nghệ An tiêu phát
triển có chậm trong mùa đông.
Lượng mưa: Hồ tiêu thích hợp trong điều kiện
mưa đều, lượng mưa hàng năm trong khoảng 1.000-3.000mm, tuy cây tiêu vẫn sinh
trưởng và phát triển bình thường trong vùng ít mưa nhưng phân bố đều. Phân bố
lượng mưa, tình trạng thoát nước và khả năng giữ ẩm của đất đóng vai trò quan
trọng đối với cây tiêu hơn là tổng lượng mưa. Lượng mưa khá là điều thuận lợi
nếu đất thoát nước tốt, ngược lại tiêu dễ bị bệnh. Khô hạn cũng là một yếu tố
giới hạn sinh trưởng và phát triển của cây tiêu (Phan Quốc Sủng, 2000).
Nhiệt độ: Hồ tiêu thích nghi tốt với khí hậu ôn hoà, không chịu được
nhiệt độ thay đổi nhiều, nhiệt độ thấp nhất khoảng 10oC, thích hợp
nhất trong khoảng 20-30oC, nhiệt độ đất ở độ sâu 30cm trong khoảng
25-28oC (Rethinam, 2004).
Ẩm độ: Khí hậu nóng ẩm là điều kiện thích
hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây tiêu nhưng ẩm độ cao liên tục lại hạn
chế sinh trưởng cây tiêu và tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh. Cây tiêu chịu
được ẩm độ khoảng 63% trong mùa khô và 98% trong mùa mưa (Sadanandan, 2000).
Ánh sáng: Tiêu là cây ưa bóng trong giai đoạn cây con, ánh sáng tán xạ
thích hợp cho yêu cầu sinh trưởng, phát dục và phân hoá mầm hoa. Giai đoạn tiêu
ra hoa đậu quả, nuôi quả đến khi quả chín cây tiêu cần nhiều ánh sáng
(Chevalier, 1925; Phan Hữu Trinh và ctv., 1988; Phan Quốc Sủng, 2000). Việc có
đủ ánh sáng trong giai đoạn nuôi quả giúp giảm rụng quả non và tăng dung trọng
hạt tiêu (Yau and Azmil, 1989).
Đất trồng tiêu: Theo Phan Hữu trinh và ctv. (1988),
Phan Quốc Sủng (2000) và Sadanandan (2000) đất thích hợp cho cây tiêu cần có
các đặc tính:
Lý
tính:
tầng đất canh tác trên 80cm, có mực nước ngầm sâu trên 2m, tơi xốp, có khả năng
giữ nước tốt, thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình, dễ thoát nước vào mùa
mưa; Hoá tính: pH 5,5-6,5, tối thiểu 4,5 nhưng
cần bón vôi để nâng lên trên 5, giàu N, K và Mg, khả năng trao đổi cation ở mức
20-30 meq/100g đất, tỉ lệ C/N ở tầng đất canh tác cao (15-25).
Trụ tiêu: Tiêu là cây leo bám nên cần phải có
trụ, trụ tiêu đóng vai trò quyết định trong đời sống cây tiêu, và chi phí cho
trụ tiêu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong chi phí thiết lập vườn tiêu mới (ICARD,
2005).
Tại những vùng trồng tiêu lâu đời ở Việt Nam nông dân thường ưa sử dụng
trụ gỗ vì cho rằng tiêu leo bám dễ dàng, không bị cạnh tranh về nước, dinh dưỡng,
ánh sáng như khi trồng trụ sống và không bị nóng làm tiêu tàn lụi sớm như khi
trồng với trụ bê-tông hoặc bồn gạch xây. Tuy vậy, thực tế sản xuất hiện nay cho
thấy tiêu có thể đạt được năng suất cao trên tất cả các loại trụ, miễn là có
chế độ chăm sóc phù hợp. Các loại trụ sống rất phong phú như vông (Erythrina spp.), keo (Leucena leucocephala), lồng mức (Wrightia annamensis), đỗ quyên (Gliricidia sepium), mít (Artocarpus heterophyllus), muồng cườm (Adenanthera
pavonina), cóc rừng (Spondias pinnata) và gòn (Ceiba spp.) đang được sử dụng ở nhiều
vùng trồng tiêu trọng điểm hiện nay như Đăk Lăk, Bình Phước, Quảng Trị và Phú
Yên. Đặc biệt ở Quảng Trị do có gió Lào khô
nóng, cây trụ sống tỏ ra đặc biệt thích hợp cho việc trồng tiêu, các thử nghiệm
trồng tiêu trên trụ bê-tông và bồn gạch không mấy thành công ở vùng này.
Một số hình ảnh về cây hồ tiêu: