Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Giới thiệu khái quát cây Sắn (cây Khoai Mì)



Sắn (Manihot esculenta) có 2n=36, là cây tinh bột quang hợp theo chu trình C4. Cây sắn là cây lương thực quan trọng thứ năm trên thế giới và là thứ ba ở Việt Nam. Sắn dễ trồng, ít vốn đầu tư, dễ chế biến xuất khẩu, đạt lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh cao. Sắn là loại cây trồng có thể sử dụng làm lương thực, thức ăn gia súc và nguyên liệu công nghiệp. Củ sắn được dùng để ăn tươi, sắn lát khô, chế biến tinh bột. Từ sắn củ tươi hoặc từ các sản phẩm sắn sơ chế tạo thành hàng loạt các sản phẩm công nghiệp như bột ngọt, rượu cồn, mì ăn liền, gluco, xiro, bánh kẹo, mạch nha, kỹ nghệ chất dính (hồ vải, dán gỗ), bún, miến, mì ống, mì sợi, bột khoai, bánh tráng, hạt trân châu, phụ gia thực phẩm, phụ gia dược phẩm. Củ sắn cũng là nguồn nguyên liệu chính để làm thức ăn gia súc. Thân sắn dùng để làm giống, nguyên liệu cho công nghiệp xenlulô, làm nấm, làm củi đun. Lá sắn non dùng làm rau xanh giàu đạm. Lá sắn dùng trực tiếp để nuôi tằm, nuôi cá. Bột lá sắn hoặc lá sắn ủ chua dùng để nuôi lợn, gà, trâu, bò, dê,… Chế biến tinh bột sắn, sản xuất rượu cồn và phát triển hàng loạt các sản phẩm từ tinh bột sắn biến tính như bột ngọt, xi rô, gluco, mì ăn liền, bánh kẹo, mạch nha, kỹ nghệ chất phụ gia dược phẩm… là những hướng chính trong chế biến sắn côn nghiệp. Tinh bột sắn có những ứng dụng hết sức rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm, dược liệu, công nghiệp lên men, công nghiệp dệt và công nghiệp giấy. Ở Việt Nam, cây sắn đang chuyển đổi nhanh chóng từ vai trò cây lương thực, cây thức ăn gia súc thành cây công nghiệp.
Phân loại cây sắn
Giới                      : Plantae
Không phân hạng: Magnoliophyta
Lớp                      : Magnoliopsida
Bộ                         : Malpighiales
Họ                         : Euphorbiaceae
Họ phụ                 : Crotonoideae
Tộc                       : Manihoteae
Chi                        : Manihot
Loài                      : M. Esculenta
  Nguồn gốc

 Theo trích dẫn của Hoàng Kim và Phạm Văn Biên (1995), cây sắn có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ La tinh (Crantz, 1976) đã được trồng cách đây khoảng 5.000 năm (CIAT, 1993). Trung tâm phát sinh cây sắn được giả thiết tại vùng Đông Bắc của nước Brazin thuộc lưu vực sông Amazon, nơi có nhiều chủng loại sắn trồng và hoang dại (Candolle, 1886; Rogers, 1965). Trung tâm phân hóa phụ có thể tại Mexico ở Trung Mỹ và vùng ven biển phía Bắc của Nam Mỹ. Bằng chứng về nguồn gốc sắn trồng là những di tích khảo cổ ở Venezuela niên đại 2.700 năm trước Công nguyên, di vật thể hiện củ sắn ở cùng ven biển Peru khoảng 2000 năm trước Công nguyên, những lò nướng bánh sắn trong phức hệ Malabo ở phía Bắc Colombia niên đại khoảng 1.200 năm trước Công nguyên, những hạt tinh bột trong hóa thạch được phát hiện tại Mexico có tuổi từ năm 900 đến năm 200 trước Công nguyên (Rogers, 1963, 1965).
            Cây sắn được người Bồ Đào Nha đưa đến Congo (châu Phi) khoảng thế kỷ 16. Tài liệu nói tới sắn ở vùng này là của Barre và Thevet viết năm 1558. Ở châu Á, sắn được nhập vào Ấn Độ khoảng thế kỷ 17 (Rajendran và ctv, 1995) và SriLanka đầu thế kỷ 18 (Bandara và Sikurajapathy, 1992). Cây sắn đựơc nhập vào Việt Nam khoảng giữa thế kỷ 18 nhưng hiện chưa có tài liệu chắc chắn về nơi trồng và năm trồng đầu tiên (Phạm Văn Biên và Hoàng Kim, 1991). Sắn được nhập vào Trung Quốc, Myanmar và các nước châu Á khác khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 (Baiping, 1992; Than, 1992)
Phân bố
Sắn được trồng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở 30OB - 30ON (CIAT, 1993). Tại Việt Nam, sắn được trồng hầu hết ở các tỉnh từ Bắc đến Nam, nhiều nhất tại vùng Đông Nam Bộ (130800 ha) và Tây Nguyên (129.900 ha). (nguồn: Hoàng Kim, 2010).
Lịch sử phát triển
Theo Hoàng Kim (2009), cây sắn được người Bồ Đào Nha đưa đến Congo (châu Phi) khoảng thế kỷ 16. Tài liệu nói tới sắn ở vùng này là của Barre và Thevet viết năm 1558. Ở châu Á, sắn đã được nhập vào Ấn Độ khoảng thế kỷ 17 (Rajendran và ctv, 1995) và SriLanka đầu thế kỷ 18 (Bandara và M Sikurajapathy, 1992). Cây sắn đã được nhập vào Việt Nam khoảng giữa thế kỷ 18 nhưng hiện chưa có tài liệu chắc chắn về nơi trồng và năm trồng đầu tiên (Phạm Văn Biên và Hoàng Kim, 1991). Sắn đã được nhập vào Trung Quốc, Myanmar và các nước châu Á khác khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 (Baiping, 1992; Than, 1992).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét