Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Giới thiệu giống đậu xanh



Cây đậu xanh (Mungbean, Green bean) có tên khoa học Vigna radiata (L) là cây đậu đỗ quan trọng đứng hàng thứ ba sau đậu nành và đậu phụng (2 loại cây công nghiệp ngắn ngày). Đậu xanh có 2 nhóm giống: Nhóm giống địa phương và nhóm giống cải tiến.
          Nhóm giống địa phương: Là những giống đã được trồng từ lâu đời ở nước ta. Tên giống thường căn cứ vào màu sắc và dạng hạt.
Ví dụ: đậu mốc (vỏ hạt mốc), đậu da tre (hạt màu da tre), đậu tiêu (hạt nhỏ như hạt tiêu), đậu mỡ (hạt bóng mỡ). Những giống hạt mốc thường nhỏ nhưng phẩm chất ngon. Hạt đậu mỡ to hơn, năng suất cao hơn đậu mốc nhưng phẩm chất kém, giá trị thương phẩm thấp. Điểm nổi bật là các giống địa phương đều thuộc nhóm năng suất thấp, không chịu phân, dễ lốp đổ.
          Nhóm giống cải tiến: Là những giống nhập nội trong thời gian gần đây hoặc những giống lai tạo trong nước từ các nguồn gen bố mẹ có đặc điểm nông học tốt.
         
Đặc điểm chung của nhóm giống cải tiến là sinh trưởng khoẻ, chịu phân bón và có tiềm năng năng suất cao (15 - 20 tạ/ha), phẩm chất tốt (các giống có hạt bóng mỡ cũng có chất lượng hạt cao - chất lượng hạt không phụ thuộc vào màu sắc vỏ hạt), hạt to (khối lượng 1.000 hạt đạt trên 50 g).
          Đặc điểm sinh trưởng quan trọng là tầng quả thường vượt trên tầng lá vì vậy dễ chăm sóc quả và dễ thu hái. Trong sản xuất hiện nay, nhóm giống cải tiến đang được phổ biến nhanh với các giống như ĐX.044, No.9, VN.93.1, T135, HL89-E3 và V94-208...
          Thực tế sản xuất đậu xanh cho thấy rằng: Muốn đậu xanh trở thành cây kinh tế, nhất thiết phải sử dụng các giống cải tiến trên. Chọn giống đậu xanh cũng còn cần phải căn cứ vào mục đích sử dụng. Đậu để làm giá đỗ, yêu cầu giống có hạt nhỏ, kích thước hạt đồng đều, sức sống của hạt khoẻ. Đậu làm hàng xáo và các chế biển khác chỉ cần có năng suất  cao, chất lượng hạt ngon, bở để dễ chế biến.

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

GIỚI THIỆU CÂY ĐẬU XANH



Sơ lược về cây đậu xanh:

         Cây đậu xanh (Mungbean, Green bean) có tên khoa học Vigna radiata (L) là cây đậu đỗ quan trọng đứng hàng thứ ba sau đậu nành và đậu phụng (2 loại cây công nghiệp ngắn ngày).

Tên khoa học: Vigna radiata(L) R. Wilczek
Bộ
Họ
Chi
Loài
V. radiata
Đậu xanh (Vigna radiata) thuộc loại cây thân thảo mọc đứng.
Lá mọc kép 3 lá chét, có lông hai mặt.
Hoa màu vàng lục mọc ở kẽ lá.
Quả hình trụ thẳng, mảnh nhưng số lượng nhiều, có chứa hạt hình tròn hơi thuôn, kích thước nhỏ, màu xanh, ruột màu vàng, có mầm ở giữa.
Nguồn gốc:
          Đậu xanh có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Á , phân bổ chủ yếu ở các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, là cây trồng khá quen thuộc ở Châu Á và rất phổ biến ở nước ta. Cây đậu xanh có khả năng thích ứng rộng, chịu hạn khá và có thể thích nghi với các vùng có điều kiện khắc nghiệt. Khu vực Đông và Nam Châu Á, cây đậu xanh được trồng nhiều ở các quốc gia như: Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal Trung Quốc, Thái Lan, Philippin, Miến Điện, Inđônexia; hiện nay đã được phát triển tại một số quốc gia ở vùng ôn đới, ở Châu Úc, lục địa Châu Mỹ.
Đặc điểm thực vật học cây đậu xanh:
- Rễ: Gồm 1 rễ cái và các rễ phụ. Đất xốp thoáng rễ có thể mọc sâu đến 40 cm, nhờ đó cây chịu hạn tốt hơn. Rễ đậu xanh chịu hạn khá nhưng chịu úng rất kém, nhất là cây còn nhỏ ( 0 – 25 ngày sau gieo). Từ 15 ngày sau khi gieo, rễ đã có nốt sần hữu hiệu cho cây.
  - Thân: Cao 40 – 80 cm. Chiều cao thân phụ thuộc giống và cách trồng. Trong điều kiện bón phân, chăm sóc tốt, đậu càng cao cây cho năng suất càng tốt ( nếu không bị đỗ ngã).
  - Lá: Khi mới mọc, cây có 2 lá đơn nhỏ, sau đó là các lá kép. Mỗi lá kép có 3 lá đơn. Các lá ở ngọn cần thiết để nuôi trái và hột nên phải được chăm sóc kỹ để ngừa sâu bệnh. Hai lá đơn đầu tiên dễ bị dòi đục thân tán công nên cũng cần xịt thuốc kịp lúc.
- Hoa: Từ 18 – 21 ngày sau khi gieo, đậu xanh đã bắt đầu có nụ hoa nhưng nụ còn rất nhỏ, nằm khuất trong vảy nhỏ ( gọi là mỏ chim ) ở các nách lá. Nụ hoa phát triển từ các chùm hoa, có 16 – 20  hoa nhưng thường chỉ đậu 3 – 8 trái. Hoa nở từ 35 – 40 ngày sau khi gieo.
- Trái: Từ lúc nở, trái bắt đầu phát triển và chín sau 18 – 20 ngày. Trái non màu xanh, nhiều lông tơ, khi chín có màu nâu đen hay vàng và ít lông.
- Hạt: Các giống thường có hạt màu xanh mỡ ( bóng ) hay mốc( có những giống hạt vàng, nâu hay đen), 1000 hạt nặng 30 – 70 g. Các giống hạt xanh bóng, có trọng lượng 1000 hạt nặng hơn 55 (g) thích hợp để xuất khẩu. Hạt đậu xanh có nhiều giá trị dinh dưỡng. Trong 1 hạt có 24 % protein, 2 – 4 % chất béo, 50 % đường bột, nhiều sinh tố B và P.
Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của đậu xanh:
          Đậu xanh là một loại cây thực phẩm ngắn ngày có khả năng thích ứng rộng trên nhiều vùng, miền khác nhau, thời gian sinh trưởng chỉ khoảng 65- 70 ngày.
          Tại miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đậu xanh có thể canh tác trong 3 vụ chính là Hè Thu (tháng 5 – 8), Thu Đông (tháng 5 – 11), Đông Xuân (giữa tháng 11 – 2).
Sinh trưởng của đậu xanh gồm 4 thời kỳ sau:
1. Thời kì mọc:
          Nếu gặp điều kiện thuận lợi, đậu xanh có thể mọc đều khoảng 3 - 4 ngày sau gieo. Hạt đậu xanh nhỏ (Trọng lượng 1.000 hạt chỉ đạt 50 - 65 g) nên hạt nảy mầm nhanh và thời gian này phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện hút nước của hạt.
          Hạt mọc, khi xuất hiện 2 lá đơn mọc đối (lá đầu tiên là 2 lá đơn mọc đối, các lá sau là lá kép có 3 lá chét). Đậu xanh là cây ưa ấm, nhiệt độ thích hợp cho đậu nảy mầm phải trên 200C, độ ẩm đất khoảng 75 - 80%.
2. Thời kì cây con:
          Từ khi mọc đến khi cây bắt đầu có hoa là khoảng 30 – 35 ngày . Ở giai đoạn đầu, đậu xanh cần dinh dưỡng (N, P, K) để hoàn thiện thân lá và bộ rễ, giai đoạn khoảng trên dưới 30 ngày (trước và sau ra hoa) cây đậu xanh có thể tự dưỡng nhờ vi khuẩn cố định đạm ở nốt sần.
          Sự hình thành nốt sần: bắt đầu từ khi cây đậu đã hình thành lá chét, cho đến khi ra hoa (khoảng 20 -30 ngày sau gieo) là nơi cố định đạm, nhờ có nốt sần, đậu xanh không cần bón nhiều phân đạm. Cần tác động các biện pháp kỹ thuật như: bón phân, phòng trừ sâu bệnh tạo điều kiện cho nốt sần hình thành sớm và nhiều.
          Thời kì cây con đậu xanh sinh trưởng chậm. Các biện pháp kỹ thuật canh tác tạo điều kiện cho cây sinh trưởng thuận lợi và nhất là cần phải tránh sâu bệnh làm chết cây sẽ làm giảm mật độ cây thu hoạch do đó làm giảm năng suất.
3. Thời kì ra hoa – thu lần 1:
Thời gian khoảng 20 ngày
          Quá trình nở hoa: Đậu xanh có thời gian ra hoa kéo dài và không có đợt hoa rộ rõ rệt như ở lạc và đậu tương. Thời gian ra hoa kéo dài và quả phát dục nhanh (từ khi hoa nở đến quả chín chỉ khoảng 15 - 17 ngày) nên đậu xanh phải thu nhiều lần - đây là nhược điểm của đậu xanh vì công thu hoạch cao.
          Vị trí hoa và quả đậu xanh: Hoa đậu xanh mọc thành chùm hoa tự, mỗi hoa tự có thể có 10 - 15 hoa, nhưng chỉ đậu khoảng 2 - 5 quả chín cho thu hoạch. Hoa tự mọc ở nách lá. Những giống cải tiến hiện nay có đặc điểm quan trọng là: cuống hoa tự ở vị trí thấp dài hơn cuống hoa tự ở vị trí cao nên các hoa và quả đậu xanh tạo thành tầng quả vượt lên trên tầng lá. Đặc điểm này rất có lợi cho chăm sóc và thu hoạch.
          Sinh trưởng thân lá: Thời kì này, cùng với quá trình ra hoa, kết quả là sự sinh trưởng mạnh của các bộ phận sinh dưỡng (cây tăng nhanh chiều cao thân và cành do đó số lá, diện tích lá cũng tăng nhanh). Lượng chất khô tích luỹ trong thời kì này là lớn nhất, cho nên thời kì này cũng đòi hỏi nhiều dinh dưỡng nhất cho cây phát triển.
4. Thời kì thu hoạch:
          Từ thu lần 1 đến thu hết: Thời gian khoảng 10 - 20 ngày. Thời gian của thời kì này phụ thuộc vào số lần thu hái và khoảng cách giữa 2 lần thu. Các giống địa phương thường phải hái ngay khi chín, nếu thu hái không kịp quả dễ bị tách vỏ, văng hạt nên thường phải thu hái hàng ngày hoặc cách 1 ngày (cách nhật).
          Giống cải tiến thường có vỏ quả dầy, khi chín khó tách vỏ hơn nên khoảng cách giữa 2 làn thu khoảng 3 - 5 ngày. Đặc điểm này đã giảm nhiều công thu hái. Kéo dài thời gian thu hoạch và tăng số lần thu hái là một khâu kĩ thuật cơ bản tăng năng suất đậu xanh.
          Muốn tăng số lần thu hái, cần phải duy trì bộ lá xanh. Nếu bộ lá tàn sớm thì sẽ giảm số lần hái, thời gian này bị rút ngắn và sản lượng các lần hái sau cũng kém.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

Giới thiệu khái quát cây Sắn (cây Khoai Mì)



Sắn (Manihot esculenta) có 2n=36, là cây tinh bột quang hợp theo chu trình C4. Cây sắn là cây lương thực quan trọng thứ năm trên thế giới và là thứ ba ở Việt Nam. Sắn dễ trồng, ít vốn đầu tư, dễ chế biến xuất khẩu, đạt lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh cao. Sắn là loại cây trồng có thể sử dụng làm lương thực, thức ăn gia súc và nguyên liệu công nghiệp. Củ sắn được dùng để ăn tươi, sắn lát khô, chế biến tinh bột. Từ sắn củ tươi hoặc từ các sản phẩm sắn sơ chế tạo thành hàng loạt các sản phẩm công nghiệp như bột ngọt, rượu cồn, mì ăn liền, gluco, xiro, bánh kẹo, mạch nha, kỹ nghệ chất dính (hồ vải, dán gỗ), bún, miến, mì ống, mì sợi, bột khoai, bánh tráng, hạt trân châu, phụ gia thực phẩm, phụ gia dược phẩm. Củ sắn cũng là nguồn nguyên liệu chính để làm thức ăn gia súc. Thân sắn dùng để làm giống, nguyên liệu cho công nghiệp xenlulô, làm nấm, làm củi đun. Lá sắn non dùng làm rau xanh giàu đạm. Lá sắn dùng trực tiếp để nuôi tằm, nuôi cá. Bột lá sắn hoặc lá sắn ủ chua dùng để nuôi lợn, gà, trâu, bò, dê,… Chế biến tinh bột sắn, sản xuất rượu cồn và phát triển hàng loạt các sản phẩm từ tinh bột sắn biến tính như bột ngọt, xi rô, gluco, mì ăn liền, bánh kẹo, mạch nha, kỹ nghệ chất phụ gia dược phẩm… là những hướng chính trong chế biến sắn côn nghiệp. Tinh bột sắn có những ứng dụng hết sức rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm, dược liệu, công nghiệp lên men, công nghiệp dệt và công nghiệp giấy. Ở Việt Nam, cây sắn đang chuyển đổi nhanh chóng từ vai trò cây lương thực, cây thức ăn gia súc thành cây công nghiệp.
Phân loại cây sắn
Giới                      : Plantae
Không phân hạng: Magnoliophyta
Lớp                      : Magnoliopsida
Bộ                         : Malpighiales
Họ                         : Euphorbiaceae
Họ phụ                 : Crotonoideae
Tộc                       : Manihoteae
Chi                        : Manihot
Loài                      : M. Esculenta
  Nguồn gốc

 Theo trích dẫn của Hoàng Kim và Phạm Văn Biên (1995), cây sắn có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ La tinh (Crantz, 1976) đã được trồng cách đây khoảng 5.000 năm (CIAT, 1993). Trung tâm phát sinh cây sắn được giả thiết tại vùng Đông Bắc của nước Brazin thuộc lưu vực sông Amazon, nơi có nhiều chủng loại sắn trồng và hoang dại (Candolle, 1886; Rogers, 1965). Trung tâm phân hóa phụ có thể tại Mexico ở Trung Mỹ và vùng ven biển phía Bắc của Nam Mỹ. Bằng chứng về nguồn gốc sắn trồng là những di tích khảo cổ ở Venezuela niên đại 2.700 năm trước Công nguyên, di vật thể hiện củ sắn ở cùng ven biển Peru khoảng 2000 năm trước Công nguyên, những lò nướng bánh sắn trong phức hệ Malabo ở phía Bắc Colombia niên đại khoảng 1.200 năm trước Công nguyên, những hạt tinh bột trong hóa thạch được phát hiện tại Mexico có tuổi từ năm 900 đến năm 200 trước Công nguyên (Rogers, 1963, 1965).
            Cây sắn được người Bồ Đào Nha đưa đến Congo (châu Phi) khoảng thế kỷ 16. Tài liệu nói tới sắn ở vùng này là của Barre và Thevet viết năm 1558. Ở châu Á, sắn được nhập vào Ấn Độ khoảng thế kỷ 17 (Rajendran và ctv, 1995) và SriLanka đầu thế kỷ 18 (Bandara và Sikurajapathy, 1992). Cây sắn đựơc nhập vào Việt Nam khoảng giữa thế kỷ 18 nhưng hiện chưa có tài liệu chắc chắn về nơi trồng và năm trồng đầu tiên (Phạm Văn Biên và Hoàng Kim, 1991). Sắn được nhập vào Trung Quốc, Myanmar và các nước châu Á khác khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 (Baiping, 1992; Than, 1992)
Phân bố
Sắn được trồng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở 30OB - 30ON (CIAT, 1993). Tại Việt Nam, sắn được trồng hầu hết ở các tỉnh từ Bắc đến Nam, nhiều nhất tại vùng Đông Nam Bộ (130800 ha) và Tây Nguyên (129.900 ha). (nguồn: Hoàng Kim, 2010).
Lịch sử phát triển
Theo Hoàng Kim (2009), cây sắn được người Bồ Đào Nha đưa đến Congo (châu Phi) khoảng thế kỷ 16. Tài liệu nói tới sắn ở vùng này là của Barre và Thevet viết năm 1558. Ở châu Á, sắn đã được nhập vào Ấn Độ khoảng thế kỷ 17 (Rajendran và ctv, 1995) và SriLanka đầu thế kỷ 18 (Bandara và M Sikurajapathy, 1992). Cây sắn đã được nhập vào Việt Nam khoảng giữa thế kỷ 18 nhưng hiện chưa có tài liệu chắc chắn về nơi trồng và năm trồng đầu tiên (Phạm Văn Biên và Hoàng Kim, 1991). Sắn đã được nhập vào Trung Quốc, Myanmar và các nước châu Á khác khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 (Baiping, 1992; Than, 1992).